Áp xe gan là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Biên tập Viên
By Biên tập Viên Tháng 3 13, 2024 15:01

Áp xe gan phổ biến ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, là bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đang gia tăng dù nâng cao vệ sinh và sử dụng kháng sinh rộng rãi. Hiểu rõ mức độ nguy hiểm giúp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe.

Áp xe gan là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Áp xe gan là bệnh gì?

Theo các bác sĩ, giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho hay, Gan có vai trò quan trọng trong cơ thể, gồm việc dự trữ năng lượng, sản xuất protein và loại bỏ chất độc hại. Áp xe gan xảy ra khi gan bị tổn thương do nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, dẫn đến sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ.

Nguyên nhân của áp xe gan có thể được phân loại thành ba loại chính: do vi trùng, do ameba, và do nấm, với Candida là phổ biến nhất. Các tình trạng viêm như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm túi mật thường gây ra áp xe gan, đặc biệt là trong điều kiện vệ sinh kém.

Áp xe gan nguy hiểm như thế nào?

Áp xe gan là một bệnh nguy hiểm, có các triệu chứng không xuất hiện ngay nhưng khi xuất hiện sẽ diễn ra ồ ạt và rất nặng. Các biểu hiện nguy hiểm của bệnh bao gồm:

  • Sốt cao rét run: Sốt có thể lên đến 39 – 40oC trong giai đoạn cấp tính, sau đó có thể là sốt nhẹ kéo dài nhiều ngày, thường đi kèm với đau bụng.
  • Đau tức vùng gan: Đau chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải, và nếu ổ áp-xe to cấp tính thì đau có thể lan rộng cả thượng vị hoặc khắp bụng.
  • Gan to đau: Do gan bị sưng to, người bệnh có cảm giác căng, tức, nặng ở vùng dưới sườn bên phải. Sự sưng to của gan cũng có thể làm cho cơ hoành bị đẩy lên cao, gây ra hiện tượng khó thở.
  • Ấn kẽ sườn đau: Khi sờ, nắn vào vùng gan (ở kẽ liên sườn 11-12), bệnh nhân thấy đau tăng lên; gõ vùng gan thấy đục rõ và có thể sờ thấy mép của bờ gan to ra.
  • Hình ảnh Xquang và xét nghiệm máu: Cơ hoành phải cao, ít di động, góc sườn hoành phải mờ, cùng với bạch cầu và tốc độ máu lắng tăng. Dựa trên các triệu chứng này, chẩn đoán áp xe gan không khó khăn.

Thường, bệnh nhân áp-xe-gan phát hiện sớm sẽ được chọc hút mủ, nhập viện trong 7 – 15 ngày và sử dụng thuốc kháng sinh để ngăn tái phát. Tuy nhiên, một số trường hợp gặp nguy kịch do triệu chứng không rõ ràng. Có bệnh nhân có ổ áp xe lớn nhưng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ và tức khó chịu ở vùng hạ sườn phải, thậm chí chỉ sờ thấy gan mấp mé bờ sườn nhưng nhờ siêu âm mới phát hiện được ổ mủ lớn. Trong tình huống này, ổ áp xe có thể vỡ ra, gây nhiễm khuẩn huyết nghiêm trọng hoặc lan ra phổi, màng phổi, màng tim, hoặc gây ra viêm phúc mạc, một tình trạng cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng của bệnh áp xe gan

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân áp xe gan có thể gặp nguy hiểm với các biến chứng nguy hiểm sau:

  • Biến chứng do vỡ ổ áp xe gan: Đây là biến chứng phổ biến và nguy hiểm nhất. Khi ổ áp xe gan ở bên trái vỡ ra, có thể làm tổn thương màng tim, gây ra triệu chứng đột ngột như khó thở, vã mồ hôi, da tái nhợt, và tiếng tim không nghe rõ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do bị ép tim cấp.
  • Nhiễm trùng ổ bụng: Nếu vỡ ổ áp xe gan vào ổ bụng, có thể gây nhiễm trùng toàn bộ ổ bụng (còn gọi là viêm phúc mạc), với các triệu chứng như đau bụng dữ dội, bụng cứng, và sốt cao. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được dẫn lưu ổ bụng hoặc thực hiện phẫu thuật cấp cứu để ngăn ngừa tình trạng choáng nhiễm khuẩn và tử vong.
  • Vỡ ống tiêu hóa: Ổ áp xe gan có thể vỡ ra ống tiêu hóa như đại tràng hoặc dạ dày, gây ra triệu chứng như nôn mủ, đi ngoài có máu, hoặc tạo ra lỗ rò chảy mủ trong cơ bụng.

Áp xe gan là bệnh gì, có nguy hiểm không?

Các phương pháp phòng tránh bệnh áp xe gan

Theo các giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay, Các biện pháp phòng tránh bệnh áp xe gan bao gồm:

  • Tránh ăn các loại thịt chưa nấu chín hoàn toàn như nem chua, nem chạo, gỏi, tiết canh.
  • Không ăn rau sống chưa được rửa sạch, bao gồm cả rau ăn kèm như giá đỗ khi ăn phở, bún chả.
  • Tránh uống nước chưa đun sôi, như nước lã từ các nguồn nước tự nhiên như sông, suối, ao, hồ, và không sử dụng nước từ chum vại, giếng, bể chứa nước, hoặc vòi nước chưa được kiểm tra vệ sinh.
  • Không dùng nước đá cây và tránh ăn kem không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, cũng như không uống nước giải khát bán trên vỉa hè.
  • Trong các vùng nông nghiệp trồng rau màu, cần tránh sử dụng phân tươi để bón.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước mỗi bữa ăn.
  • Khi phát hiện có ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể, cần đi khám để được điều trị triệt để, đặc biệt là tránh sự lan truyền qua máu.
  • Khi nghi ngờ bị áp-xe gan, cần đi khám bệnh sớm để đặt chẩn đoán và có phương án điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng.

caodangyduocdongnai.com tổng hợp