Tương tự như tăng huyết áp đơn thuần, tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng gây tổn hại cơ quan do áp lực tưới máu quá cao. Vì vậy, tăng huyết áp nói chung được cảnh báo là “kẻ giết người thầm lặng”.
Hậu quả của tăng huyết áp đặc biệt nghiêm trọng khi huyết áp tăng cao và liên tục, có thể gây vỡ mạch máu. Nếu vỡ mạch máu tại não, sẽ gây xuất huyết não, dẫn đến yếu liệt, nói khó, lú lẫn hoặc hôn mê. Với bệnh nhân có phình bóc tách động mạch chủ, áp lực máu lớn có thể gây vỡ động mạch chủ, dẫn đến tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng.
Áp lực dòng máu lớn cũng có thể làm bong tróc các mảng xơ vữa, gây tắc hẹp mạch máu và dẫn đến nhồi máu não hoặc nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp đột ngột còn có thể gây phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, chảy máu mũi liên tục, xuất huyết võng mạc dẫn đến mù lòa.
Nếu huyết áp cao kéo dài mà không được phát hiện, sẽ dẫn đến suy tim mạn, suy thận mạn, xơ vữa mạch máu và tổn thương võng mạc.

Cách điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc
Theo các giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Việc điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc tương tự tăng huyết áp đơn thuần, chỉ khác ở mục tiêu kiểm soát huyết áp. Bệnh nhân cần giữ huyết áp tâm thu dưới 140 mmHg và kiểm tra thường xuyên cả huyết áp tâm trương để tránh tăng huyết áp kết hợp.
Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, uống thuốc đều đặn và tái khám định kỳ. Xây dựng lối sống lành mạnh là cần thiết, đặc biệt là chế độ ăn uống. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, rau xanh, quả chín, và thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu. Tránh mỡ, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều muối. Bỏ thuốc lá và hạn chế đồ uống có cồn.
Tập thể dục thường xuyên giúp giữ động mạch đàn hồi tốt, đặc biệt ở người lớn tuổi. Các bác sĩ khuyên nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giữ cân nặng hợp lý hoặc giảm cân. Giấc ngủ tốt cũng giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Giảm căng thẳng, thư giãn qua thiền hoặc yoga cũng rất quan trọng.
caodangyduocdongnai.com tổng hợp